Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ phải phối hợp triển khai giai đoạn IV của Đề án số hóa truyền hình đúng thời hạn, đây là tiền đề quan trọng để giải phóng băng tần 700Mhz phát triển dịch vụ di động băng rộng.

>> Hướng dẫn lắp đặt Anten truyền hình số mặt đất DVB-T2

Tại cuộc họp Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt nam đã họp để triển khai công tác chuẩn bị ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog) tại các tỉnh nhóm II, nhóm III và kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền hình Việt Nam tại các tỉnh nhóm IV mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chỉ đạo các đơn vị phải phối hợp triển khai giai đoạn IV của Đề án số hóa truyền hình đúng thời hạn. Giai đoạn IV là giai đoạn quan trọng của Đề án, mục tiêu là phải làm sao tắt sóng được toàn bộ các trạm phát truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog) trong năm 2020, hoàn thành Đề án số hóa truyền hình đúng thời hạn.

“Việc hoàn thành Đề án số hóa truyền hình có ý nghĩa rất quan trọng, băng tần kim cương 700Mhz được giải phóng sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển dịch vụ di động băng rộng 4G, 5G trên băng tần 700Mhz”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.

Theo lộ trình của Đề án số hóa, 15 tỉnh Nhóm IV gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất và chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2020.

Về tình hình triển khai các phủ sóng số DVB-T2 tại các tỉnh này, VTV đã triển khai phát sóng DVB-T2 tại 03 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, và Kon Tum thuộc khu vực Tây Nguyên. Đối với các tỉnh Nhóm IV còn lại, VTV đã có kế hoạch triển khai phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại các tỉnh gồm Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Đắk Nông trong giai đoạn 2019-2020.

Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã triển khai phát sóng DVB-T2 tại tỉnh Sơn La.

Tại khu vực Tây Nguyên, Công ty SDTV đã được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại Đắk Lắk, Đắk Nông.

Tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, hiện chưa có doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2.

Đặc biệt có 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu vẫn chưa có đơn vị truyền dẫn phát sóng nào có kế hoạch phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương. Do đó, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đề nghị Cục Tần số Vô tuyến điện khẩn trương làm việc với Đài PT-TH tại các tỉnh này để sớm có kế hoạch về phương án truyền dẫn phát sóng các kênh thiết yếu địa phương.

Thứ trưởng yêu cầu VTV, VTC, SDTV cần có kế hoạch phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh Nhóm IV trước ngày 31/7/2020.

Liên quan đến việc rà soát, xác định vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số (STB) tại các tỉnh Nhóm IV, hiện nay, Cục Tần số Vô tuyến điện đã hoàn thành việc tính mô phỏng vùng phủ sóng truyền hình mặt đất tại các tỉnh Nhóm IV và đang trong quá trình phối hợp với các tỉnh để rà soát, xác định vùng hỗ trợ STB.

Ban Quản lý Chương trình Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đề nghị việc tổng hợp danh sách địa bàn thuộc vùng hỗ trợ STB tại 15 tỉnh Nhóm IV cần hoàn thành trước 30/9/2019. Trong đó, nhiệm vụ hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại 15 tỉnh Nhóm IV được lập thành các dự án như sau: Dự án hỗ trợ đầu thu tuyền hình số vệ tinh DTH của 15 tỉnh Nhóm IV, dự kiến hoàn thành vào 30/6/2020. Dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 của 15 tỉnh Nhóm IV, dự kiến hoàn thành vào 30/9/20

Việc chọn thời điểm hoàn thành hỗ trợ STB DVB-T2 tại 15 tỉnh Nhóm IV phụ thuộc rất lớn vào tiến độ phủ sóng DVB-T2 của các đơn vị, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh Nhóm IV cần được xác định sớm để triển khai đồng bộ các công tác liên quan cho Giai đoạn IV.

Đình Anh (ITC New)